Phong trào giáo dân
Giáo hội Hoàn vũ

Linh Đạo và Phụng Vụ

13/06/2025 23:06(Lượt xem: 181)

Linh Đạo và Phụng Vụ

Linh Đạo và Phụng Vụ

Aloysius Pieris, S.J.
(
Trần Duy Nhiên dịch)

Suốt 50 năm trước Vatican II, hai giải pháp song song được đề xuất qua các luận chứng đối ngược về linh đạo của Dòng Tên và Dòng Biển Đức mà ai cũng biết.  Codex Juris Canonici (Giáo luật) năm 1917 đã nhấn mạnh đến những hành vi cụ thể trong việc thờ phượng Kitô giáo trên các lãnh vực nghi lễ, luật lệ, biểu hiện, phẩm trật. Những sách vở thần học sau đó đã đẩy khái niệm này đến những mức độ ngớ ngẩn, qua việc định nghĩa phụng vụ chỉ đơn thuần là phần nghi lễ bên ngoài, tô điểm cho việc thờ phượng của người Công giáo hoặc là một phương tiện hàng giáo sĩ  dùng để kiểm soát kết quả việc thờ phượng của quần chúng. Ta hiểu vì sao Dòng Tên muốn bổ túc cho phụng vụ bằng một linh đạo cá nhân, hướng về chiêm niệm, để nhờ đó phụng vụ không chỉ là một mớ lễ nghi.
Trường phái Biển Đức, do Beauhiu lãnh đạo (nối gót Guéranger ở thế kỷ XIX), cố gắng cứu phụng vụ khỏi những nghi lễ rườm rà bằng cách định nghĩa lại: phụng vụ là việc Giáo hội (rõ ràng không phải chỉ là giáo sĩ) tiếp nối mầu nhiệm Đức Kitô. Tham dự vào mầu nhiệm này chính là linh đạo đích thực.
Khi phê bình linh thao của thánh I-nhã, một vài linh mục Biển Đức nhấn mạnh rằng một linh đạo mà không mang tính phụng vụ thì cũng không mang tính Giáo hội (và như thế làm sao có thể gọi là Kitô giáo?) Phụng vụ không gì khác hơn việc Đức Kitô toàn thể – với Đầu và các chi thể – thực thi chức vụ tư tế của mình. Do đó, linh đạo không phải là một khúc nhạc dạo hay nhạc đệm hoặc một cái gì đó bổ túc cho phụng vụ, nhưng nó hợp nhất với phụng vụ, nghĩa là với sự thờ phượng của Kitô hữu. Ta có thể nói rằng Dòng Tên đã nhấn mạnh việc tham gia cá nhân vào điều mà họ cho là nghi lễ «tập thể», trong khi đó Dòng Biển Đức tháp nhập tính chất Giáo hội vào đường hướng «linh đạo» cá nhân. Cuối cùng các linh mục Biển Đức đã thắng cuộc.
Cách hiểu mới về phụng vụ đã được đề cao trong Thông điệp Mediator Dei (1947). Từ đó, chỉ cần bước một bước là đến Hiến chế Phụng vụ của Vatican II; một phần nhờ vào các «cải tổ» từ trên xuống và sự «canh tân» từ dưới lên trong lòng Giáo hội. Vatican II không do dự khi tuyên bố rằng phụng vụ là «nguồn mạch và tuyệt đỉnh» (fons et culmen) của đời sống Kitô hữu. Trước đó, chưa bao giờ Giáo hội liên kết linh đạo và phụng vụ một cách chặt chẽ như thế.
Vì vậy, khi Hiến chế Phụng vụ được chấp thuận một cách vẻ vang ở Công đồng, các nhà phụng vụ hy vọng tràn trề rằng cuộc canh tân phụng vụ sẽ kéo theo cuộc canh tân linh đạo trong Giáo hội. Nhưng sau 20 năm, Công đồng thành thật nhận định rằng kết quả đã không được như thế. Instructiones (các chỉ giáo) của Công đồng thường được tiếp thu và áp dụng với một não trạng tiền Công đồng. Giáo Triều La Mã đã thất bại trong việc đưa ra một «thay đổi mẫu mực» từ định nghĩa phụng vụ theo Giáo luật đến tinh thần Công đồng về việc thờ phượng. Và nhiều nhà canh tân đã năng nổ di chuyển bàn thờ, đưa ngôn ngữ địa phương vào, soạn những bài kinh và bài hát mới, đơn giản hoá y trang, nâng cao chất lượng các cử điệu, v.v... Kết quả là phụng vụ nhiều khi trở thành một loạt lời nói và hành vi ngăn cản không cho Ngôi Lời lên tiếng và hoạt động dưới dạng bí tích bên trong cộng đoàn.
Ngược với lời giáo huấn Công đồng về phụng vụ, điều xảy ra thường là một sự thay đổi lễ nghi chứ không phải thay đổi đời sống. Và một khi nghi lễ mới mất đi tính chất mới mẻ, thì Giáo hội lại trở về vị trí cũ. Thế là linh đạo (= đời sống thiêng liêng) một lần nữa phải đi du nhập từ bên ngoài để tạo sức sống cho phụng vụ. Những canh tân bằng đặc sủng, những phương thức thần bí phương Đông tràn ngập vào Giáo hội phương Tây, làm nổi bật trở lại không những tính chất cá nhân mà còn cả tính chất phi chính trị truyền thống của cả linh đạo lẫn phụng vụ. Muốn có sự liên kết giữa phụng vụ và linh đạo, Giáo hội La-mã lại tuột về cái nhị nguyên cũ xưa. Trên bình diện này, trái với mọi chờ mong, tình trạng hậu Vatican II chỉ hơi khá hơn thời hậu Tridentino mà thôi, thời mà phụng vụ vẫn được bổ túc bằng bao nhiêu hành vi sùng kính và «các việc đạo đức».
Vì sao chúng ta không ngừng đi vào vết xe cũ? Vì sao có vòng luẩn quẩn này? Theo thiển ý của người viết, lý do như sau: có một lúc nào đó trong quá trình lịch sử, Giáo hội La-mã đã hạ giá chiều kích cốt lõi của linh đạo - phụng vụ trong đời sống (= sống đạo), đây là nguồn mạch của mọi biểu hiện bí tích, vì đó là bối cảnh của cuộc gặp gỡ sống động và thường xuyên trong cuộc sống trần thế với Thiên Chúa trong Đức Kitô. Đời sống bí tích và đời sống thiêng liêng không thể nào được kết hợp trong bản thân mỗi người nếu cả hai đều bị bứng rễ khỏi môi trường tự nhiên của mình, nơi mà mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô đang tiếp diễn trong những cuộc đời (trần thế) và những cuộc đấu tranh, trong những cái chết và những chiến thắng của chi thể Người. Bởi lẽ Đức Kitô không phải đã chết trong đền thờ nơi cử hành phụng vụ truyền thống, nhưng chết ở ngoài đền thờ và Ubi Christus, Ibi Ecclesia (đâu có Đức Kitô, ở đấy có Giáo hội) chứ không phải là ngược lại. Ngày nay, bất cứ nơi nào mà mầu nhiệm Vượt Qua được cử hành, ở đấy Đức Kitô hợp nhất với chi thể của Người; đấy là nơi Giáo hội đích thực được tập hợp; đấy là nơi mà phụng vụ đúng nghĩa được cử hành; đấy là nơi linh đạo chân chính được sống. Bởi lẽ Đức Kitô thực thi chức vụ tư tế của mình trong khi biến mình thành của lễ hiến tế.
……
Muốn quán triệt sự khác biệt giữa hai quan điểm, ta cần trở lại ý nghĩa mà các Kitô hữu tiên khởi hiểu phụng vụ, linh đạo và dấn thân vào đời. Vatican II đã sao lại ý nghĩa đó gần như trung thành. Tôi bảo là «gần như», vì tinh thần giáo sĩ cũ vẫn còn được phép xuất hiện, bởi lẽ sự thờ phượng đích thực của toàn thể Hội thánh (hy lễ thiêng liêng) còn lệ thuộc vào chức vụ tư tế thừa tác và, như thế, chức vụ tư tế của tín đồ - nghĩa là phụng vụ trong đời sống của họ - không thể đạt được một giá trị phụng vụ trọn vẹn.
Rõ ràng là ngay từ đầu ta đã gặp phải một khó khăn. Bởi vì từ ngữ «phụng vụ» rất ít khi được sử dụng trong Tân ước theo cách Vatican II đã dùng. Thánh Kinh Do Thái đã thu hẹp nghĩa của từ ngữ ấy trong việc thờ phượng của các thầy Lê-vi, một lối thờ phượng mang tính chất nghi lễ; vì thế, cách thờ phượng chân chính trong Kitô giáo hiếm khi hoặc không bao giờ được Tân ước gọi là «phụng vụ». Các ngôn sứ trong Thánh Kinh Do Thái đã từng nhấn mạnh rằng: việc thờ phượng đích thực là sự thánh thiện cá nhân và tập thể; nghĩa là trung thành với giao ước, vâng phục Thiên Chúa và thực thi công bình hơn là những lễ tế bên ngoài (x. Is 1:13-17; Gr 7:21-26; Am 5:21-24; Hs 6:6-7; v.v... ). Đức Giêsu, tiếp tục truyền thống các ngôn sứ, đã rao giảng một phương thức thờ phượng phi đền thờ, phi lễ nghi (Ga 4:19-26). Lòng trung thành với giao ước mới, Phúc âm của tình yêu, trở nên tôn chỉ cho sự thánh thiện.
Trên thực tế, chính vì bảo vệ quan niệm linh đạo này mà Đức Giêsu đã bị giết (Mt 26: 61), mà Stêphanô bị xử tử (Cv 6:12-14; 7:47-53) và các Tông đồ bị bắt bớ (Cv 8:1). Bởi lẽ từ ngữ «phụng vụ» không thể chuyên chở được khái niệm mới về linh đạo Kitô giáo, nên các tác giả Tân ước đã tránh dùng từ ấy, trừ một hai trường hợp ngoại lệ (Rm 15:16; Pl 2: 17), và chỉ dùng một lần duy nhất để chỉ cách thờ phượng của cộng đoàn tín hữu (Cv 13:2).
Phụng vụ đã được gán một ý nghĩa mới vào thế kỷ XX này, đặc biệt là trong Hiến chế Phụng vụ của Vatican II. Phụng vụ có nghĩa là sự thánh thiện của cuộc sống Kitô hữu biến thành hy lễ tự hiến thiêng liêng dâng lên Cha do toàn nhiệm thể Đức Kitô hợp nhất, trong Thần Khí, với Người là Đầu (phụng vụ trong đời sống) và biểu hiện trong Giáo hội qua các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể (phụng vụ như «nguồn mạch và tột đỉnh»). Định nghĩa này rất gần (tuy chưa đủ) với lời giáo huấn Tân ước về cách thờ phượng của Kitô hữu (sẽ nói thêm ở phần sau). Ta hãy nhớ lại rằng, đối với Phaolô, phép rửa không đơn thuần là một nghi lễ, nhưng là sự hợp nhất (bí nhiệm) với Đức Kitô, nghĩa là chết và sống lại với Người trong cuộc sống từng ngày. Thánh lễ là một hành động tạ ơn gồm hành vi bẻ bánh, chia sẻ và dâng hiến đời sống mình cho tha nhân. Ăn uống linh đình trong khi kẻ khác đói là một hành vi phản Thánh Thể và phản Giáo hội, «một trọng tội đối với thân thể của Chúa» (xem IC 11:21-27). Nếu sử dụng ba khái niệm hiện đại, đó là (1) bí tích (2) mầu nhiệm cho (3) cuộc sống dấn thân vào đời (để đáp trả những yêu cầu của giao ước tình yêu), thì yếu tố cuối cùng (tức cuộc sống dấn thân) là điểm hội tụ của hai yếu tố đầu. Bởi vì bí tích và mầu nhiệm là những thời điểm cô đọng của cuộc đời tự hiến mà nhờ đó ta sống phù hợp với Phúc âm.
Khi bí tích dần dần trở nên một bộ máy điều khiển từ xa của giai cấp giáo sĩ (nghĩa là giai cấp những người «mặc lấy» chức vụ tư tế của Đức Kitô mà không hề chia sẻ cuộc hiến tế của Người) thì giáo dân bỏ rơi thế giới của giáo sĩ để đi tìm một sự sống thiêng liêng trong hoang địa (điều này đã xảy ra vào thế kỷ IV để chống lại một Giáo hội  bị cuốn hút vào những việc thế gian của triều đình La-mã). Phụng vụ của các linh mục và tu đức của những nhà thấn bí, hai yếu tố ấy đã không còn chung sống được nữa. Nếu không cắm rễ vào cuộc đấu tranh từng ngày mà giao ước mới của tình yêu đòi hỏi nơi lương tâm người Kitô hữu (phụng vụ trong đời sống), thì bí tích và mầu nhiệm sẽ chẳng bao giờ gặp gỡ nhau. Đó là lý do vì sao thần học tiến bộ hậu Vatican II đã thất bại khi muốn kết duyên chúng với nhau.
Thánh đường Chartres minh họa, qua hình ảnh điêu khắc, quan điểm phân hai này, một quan điểm mà thời Trung cổ cho là đương nhiên: Thân hình gầy guộc của các thánh thì vượt ra khỏi thế gian để chạm đến Thiên Chúa trên cao, và gương mặt phì nộn, căng phồng của đám thợ thuyền và nông dân (giai cấp công nhân mà Đức Giêsu đã xuất thân) dưới thế gian này thì đang đổ mồ hôi sôi nước mắt để nâng cao giai cấp nhàn rỗi, có thì giờ và năng lực dành cho phụng vụ và chiêm niệm thiêng liêng. Đây cũng là một quan niệm linh đạo đã được khắc ghi không thể nào tẩy xoá trong thánh đường vô thức của tập thể chúng ta.
Cách sử dụng những khái niệm không gian, chiều dọc và chiều ngang, phản ảnh quan niệm thời Trung cổ về một Thiên Chúa tác động từ trên cao theo chiều dọc, và con người liên hệ với nhau theo chiều ngang. Do đó, các thánh nhân ở thánh đường Chartres được kéo dài theo chiều dọc và rất gầy theo chiều ngang, trong khi đó người nghèo nuôi sống các thánh ấy thì rất thấp chiều dọc và phình ra theo chiều ngang: các đấng chiêm niệm sống trong thế giới «thiêng liêng», còn công nhân và nông dân thì chiến đấu với các lo toan «vật chất». Họ là những «gia nô» sống nhờ các mảnh vụn thiêng liêng rơi vãi từ bàn ăn của những «lãnh chúa» chiêm niệm. Đúng là một linh đạo phong kiến.
Aloysius Pieris, S.J.
(Trần Duy Nhiên dịch)
Từ khóa liên quan:
Bài tin liên quan
Chia sẻ bài viết

Tác giả


Nguyên Chính Kết

Phạm Hồng Lam

BBT

Phạm Hương Sơn

Phạm Thiên Phước

Thông tin


Phong Trào Giáo dân Việt Nam Hải Ngoại C/o Do Nhu Dien
10687 Weatherhill Court. San Diego, CA 92131. USA
ptgdvn@gmail.com
www.phongtraogiaodan.org
www.phongtraogiaodan.com

Copyright © 2024 team_vvpb