Phong trào giáo dân
Giáo hội Hoàn vũ

Những Câu Truyện Thành Công Lạ Lùng Của Kitô Giáo

16/06/2025 00:59(Lượt xem: 148)

Những Câu Truyện Thành Công Lạ Lùng Của Kitô Giáo

Những Câu Truyện Thành Công Lạ Lùng

Của Kitô Giáo

 

 

1) Trên dưới 20 người vào khoảng năm công nguyên thứ 30.

Lẽ ra câu truyện đã kết thúc, trước khi nó thật sự khởi đầu. Người đầu đàn của họ đã chết, bị đóng đinh trên một thập giá băng gỗ. Tất cả họ có lẽ chỉ còn độ 20 người, vốn là những kẻ đã gắn bó cho đến cùng với người bị đóng đinh. Lúc này, Giêrusalem đang vào xuân, và nhóm người còn lại cảm thấy trơ trọi, hoang mang tột cùng.

Nên quay trở lại với gia đình, thôn xóm, nghề nghiệp cũ, để rồi những kỉ niệm với con người lạ lùng nhưng tuyệt vời kia phai dần với năm tháng? Hay cứ tiếp tục con đường đã đi, cố gắng tìm cách phổ biến những gì đã nhận được? Quyết định của họ rồi sẽ làm thay đổi mọi thứ, mãi mãi.

Thời gian ngắn ngủi đi theo Giêsu, một thanh niên Do-thái ở Nadarét, quả là những năm tháng khó hiểu làm sao! Như một gánh xiếc rày đây mai đó, họ đi theo ông, rảo khắp các vùng đồi núi Galilê, dừng lại nơi các làng mạc, để xem và nghe ông rao giảng những giáo huấn lạ tai. Rằng kẻ ngồi trên sẽ bị đẩy xuống cuối cùng và kẻ ngồi cuối sẽ được đưa lên hàng trên cùng. Rằng phải yêu thương hết tất cả mọi người, cả những kẻ thù địch với mình. Rằng tương quan giữa người và người quan trọng hơn các lề luật tôn giáo, và lòng thương xót còn quý hơn các quy điều đạo đức. Rằng nước trời đã gần, nơi đó của cải và quyền lực chẳng là gì cả, mà chỉ quan trọng là mình đã sống tốt như thế nào mà thôi. Đó là một vương quốc của đức hạnh, của công lí, một Vương Quốc Thiên Chúa.

Họ chưa bao giờ nghe nói tới một chủ trương xã hội triệt để như thế. Họ sống trong một xã hội phân cách giai cấp chặt chẽ. Những kẻ lãnh đạo có quyền sinh sát trên dân, đàn ông chế ngự đàn bà, gia chủ có quyền trừng phạt tôi tớ. người mạnh sai bảo kẻ yếu. Hàng ngàn năm nay vẫn thế, xã hội vẫn luân chuyển như thế, chẳng có ai nghĩ tới việc thay đổi nó.

Nhưng nay bỗng nhiên xuất hiện ông Giêsu. Ông mời những người bị bỏ rơi, những kẻ bị xã hội khinh chê, những kẻ hành nghề thu thuế, mãi dâm ngồi vào bàn và cùng ăn uống với họ. Một lối cư xử giữa người và người hoàn toàn khác. Kiểu sống này liệu rồi có thắng thế được không?

Nhưng lúc này là thời điểm thuận tiện cho những ai có đầu óc cách mạng như Giêsu. Vùng đất, trên đó nhóm người này rảo khắp hoạt dộng, đang bị chiếm đóng bởi người Roma. Đa số người Do-thái mong sớm được giải thoát khỏi ách cai trị này. Nhiều người tin rằng, chỉ có sự hỗ trợ của Thiên Chúa mới may ra thực hiện được giấc mơ đó. Xưa nay dân Do-thái vẫn trông chờ sự xuất hiện của Đấng Cứu Tinh (Messias). Giờ đây, một số người tin, Giêsu chính là vị cứu tinh đó.

Vài chục năm sau có bốn người đàn ông, được biết dưới tên Máccô, Luca, Mátthêu và Gioan, đã trình thuật về nhân vật Giêsu này. Không biết có ai trong họ đã trực tiếp gặp được Người hay không. Nhưng Vị mà họ tường thuật quả thật lạ lùng. Không những ông thuyết giảng những điều lạ tai, mà còn thực hiện được những việc đó. Ông chữa lành kẻ đau bệnh và làm cho bánh hoá ra nhiều hơn. Ngay cả một người chết cũng được ông cứu sống trở lại. Nhưng bốn nhà viêt tiểu sử này lại là những kẻ hết mình ngưỡng mộ Giêsu. Sự thường, một sử gia nên cần có tinh thần khách quan.

Về mặt lịch sử, điều này tương đối chắc chắn: Sau hai năm lang thang rao giảng trên đường, ông Giêsu bị bắt tại Giêrusalem và bị án tử về tội gây loạn. Ông chết vào một ngày, mà về sau được nhân loại ghi nhớ là ngày thứ Sáu Tuần Thánh. Mất Giêsu, đám môn đồ có nguy cơ rã nhóm. Nhưng rồi mấy bà tới chăm sóc mộ phần bỗng phát hiện ra, xác của Thầy mình không còn ở đó nữa. Rồi bà Maria ở Magdala cho hay, bà đã nhìn thấy lại Thầy mình bằng xương thịt. Càng ngày càng có nhiều nhân chứng cho biết, chính mắt họ cũng thấy Thầy. Sau bốn mươi ngày, đức Giêsu từ giã tất cả họ, về trời.

Có thể mọi chuyện đã thật sự diễn ra như thế. Mà cũng có thể không. Nhưng dù sao, đó cũng chính là cú hích cần có cho nhóm môn đồ còn lại trong tâm trạng nhớn nhác và vô vọng, để họ có được một sức bật mới. Họ lại tụ tập nhau (lúc này họ chưa xưng mình là Kitô hữu; danh xưng này xuất hiện nhiều chục năm sau đó) tại các nhà riêng, cùng cầu nguyện và sống với nhau giấc mơ cộng sản: «Cộng đoàn tín hữu hoà chung một trái tim và một tinh thần. Không ai gọi những gì mình có là tài sản riêng, nhưng tất cả cùng góp dùng chung». Luca về sau đã viết như thế. Nhiều người bị cuốn hút bởi lối sống mới và xin gia nhập cộng đoàn.

Năm năm sau, khoảng năm 35, có một người đàn ông đi từ Giêrusalem lên Damascus. Ông tên là Paulus, trạc độ 25 tuổi, một công dân Roma từ thành phố Tarsus, nay thuộc Thổ-nhĩ-kì. Ông xuất thân từ một gia đình do-thái với tên Saulus. Ông ghét cay ghét đắng đám người đi theo Giêsu. Đám này đã bị ông truy nã ở Giêrusalem, vì họ tuyên xưng một kẻ tội phạm là con Thiên Chúa. Trên đường đi Damascus Saulus gặp chuyện lạ. Luca kể, một tia sáng chói loà đột nhiên xuất hiện từ trời, và có tiếng như sấm từ đó phát ra: «Sao ngươi bắt bớ Ta?» Saulus hỏi lại: «Thưa, Ngài là ai?» Có tiếng trả lời: «Ta là Giêsu, kẻ ngươi đang bắt bớ!»

Saulus bị xốc, xúc động và xin được rửa tội, cải tên là Paulus. Ông viết: «Sau hết, Người cũng hiện ra với tôi, một kẻ không chờ đợi, một kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non.»

Không biết cuộc trở lại của Paulus đã diễn ra như thế hay còn đầy kịch tính hơn; mặc, vấn đề quan trọng là từ đây nhóm môn đồ có thêm một thành viên mới. Một thành viên không giống như cac thành viên khác.

 

2) Khoảng năm 60. Với độ 1.250 tín hữu trên khắp thế giới.

(…). Sau khi trở lại, Paulus cũng ăm ắp nhiệt tình theo đức Giêsu, như trước đây ông đã nhiệt tình bắt bớ Kitô hữu. Ông là người đầu tiên đưa đạo mới ra khỏi Giêrusalem và mang tới Âu châu. Ông di chuyển không ngừng nghỉ. Chưa bao giờ đường lưu thông quốc tế thuận lợi như lúc này. Người Roma đã xây dựng mạng lưới đường xá khắp nơi, cứ vài cây số lại có một nhà nghỉ cho khách lữ hành tạm dừng chân. Hệ thống chuyển thư của hoàng đế khá tin cẩn. Du hành đường biển khá an toàn, vì quân đội đã dẹp tan hầu hết cướp biển. Nhờ đó, quãng đường hành trình của Paulus có lẽ đã lên tới hơn 15.000 cây số.

Paulus «nhỏ người, trán sói với đôi chân chữ bát, dáng quý phái với đôi lông mày mọc liền với nhau». Đó là nét phác hoạ chân dung của ông được đọc thây trong những trang sử đầu tiên. Ông xem ra như một nhà tư vấn xí nghiệp, luôn nghĩ đến những biện pháp cần có, để phát triển cơ sở mình. Ông sớm nhận ra: phải mở rộng tối đa phạm vi hoạt động và tránh tối đa những chướng ngại trên đường.

Những môn đồ đầu tiên của đức Giêsu, tất cả toàn là người Do-thái, thật ra chỉ rao giảng giáo huấn của Thầy mình như một thứ Do-thái giáo cải cách. Có nghĩa là: Ai theo giáo phái của họ, người đó phải tuân theo cac điều luật của Thora, như ăn đồ kiêng, giữ ngày sabbat, cắt bì đối với phái nam. Các môn đồ xuất thân từ miền quê, không biết chữ. Là tông đồ, họ rao giảng giáo huấn của đức Giêsu bằng miệng. Paulus trái lại là một người dân thành phố có học, được học từ một trường có tiếng, nói được nhiều ngôn ngữ và không gặp khó khăn trong việc di chuyển trong hai thế giới Roma và Do-thái. Ông sớm thấu triệt phong trào mình và nắm ngay vai trò lãnh đạo.

Paulus có sáng kiến đưa đạo ra cho cả những người ngoài Do-thái. Ông chỉ muốn giữ lại những gì hay của Do-thái giáo mà thôi, như việc tha tội và niềm tin vào một Thiên Chúa độc nhất. Không ai buộc phải cắt bì và phải kiêng ăn thịt có máu.

Vì thế Paulus luôn đụng độ với những người khác. Chẳng hạn chuyện cắt bì đã khiến ông bực mình viết: «Thế thì phải cắt phăng hết.» Ông khó chịu, khi bị các đối thủ chê mình là người đã không được trực tiếp gặp đức Giêsu. Ông viết với chút bực mình: «Tôi tin, tôi không kém gì các tông đổ vĩ đại kia».

Dù vậy, rốt cuộc Paulus đã thắng thế. Đó là bước quyết định, để rồi nhờ đó từ một chi phái do-thái giáo, Kitô giáo trở thành một tôn giáo độc lập.  (…).

Một mặt, Paulus là con người khiêm tốn, đại độ. Ông viết: «Giả như tôi có thể nói tiên tri, hiểu được mọi điều bí nhiệm và có được mọi sự hiêu biết; giả như tôi có được mọi sức mạnh của đức tin, để có thể dời non chuyển núi, nhưng tôi không có lòng yêu mến, thì tôi vẫn chỉ là con số không.»

Mặt khác, ông cũng rất khó thương. Ông khó chịu với người để tóc dài, chỉ trích kẻ đồng tính và xúc phạm những người không ăn thịt: «Chỉ người yếu đuối mới ăn rau quả», và sẵn sàng cắt hết mọi khoản trợ giúp đối với những ai không chịu làm việc: «Ai không làm, thì cũng miễn ăn». (…).

Paulus học được nghề làm lều bạt. Và ông đã cùng một đôi vợ chồng thân quen mở một cửa hàng bán lều ở Côrinth. Thời đó lều không dùng để cắm trại, mà để cho những người thợ đi làm thuê rày đây mai đó dựng ở tạm, để tránh những chiếc giường đầy rệp trong các nhà trọ. Các nghiên cứu ngày nay cho biết, Paulus đã lợi dụng cơ hội này tiếp xúc và giảng đạo cho những công nhân thời vụ này. Một số người đã tin theo. Khi trở về, có lẽ họ cũng đã thuyết phục những người thân trong gia đình. Và cộng đoàn kitô giáo tiên khởi cứ thế lớn dần.

Paulus lưu lại Corinth 18 tháng. Rốt cuộc, người Do-thái, Hi-lạp, Sla-vơ, người tự do, người nghèo, kẻ giàu đã bước vào giáo hội của ông. Đủ mọi hạng người, như Paulus mong muốn. Và hẳn đức Giêsu cũng mong muốn như thế.

Sau khi rời Corinth, để đi rao giảng các nơi khác, Paulus đã viết thư giữ liên lạc với các tín hữu ở đó. Và ông cũng dùng phương tiện này cho các cộng đoàn mới mở khác. Trong các lá thư, ông trình bày giáo huấn của đức Giêsu, tường thuật những việc làm và cái chết của Người, và từ đó dần dần hình thành nên nền thần học đầu tiên cho Kitô giáo. Viết thư là một truyền thống quan trọng của Kitô giáo thời sơ khai. Qua đó các cộng đoàn rải rác trên khắp lục địa liên lạc và động viên lẫn nhau.

 đâu Paulus cũng gây chướng tai người nghe về đức Giêsu, về thập giá, về sự sống lại của Người, và vì thế đã phải chuốc lấy sự ngược đãi của người đời. Ông viết: «Ba lần tôi bị đánh bằng gậy, một lần bị ném đá.» Cuối cùng ông về lại Giêrusalem. Khi một đám đông nổi giận, tố ông đã kín đáo dưa một người ngoài Do-thái vào Đền Thờ - điều bị nghiêm cấm -, ông bị bắt. Ông bị chuyển về Roma, vì là dân Roma, vào khoảng năm 60. Suốt hai năm dài người ta giam ông trong ngục. Và hình như ông đã bị hành hình ở đó.

Paulus mất, nhưng Kitô giáo cũng từ đó lớn dậy. Toàn vùng Biển Địa Trung biết tới Kitô giáo là nhờ ông. Đạo tới được Roma, Hi-lạp, các vùng Tiểu Á, và ngay cả mọi ngóc ngách của Đế Quốc Roma.

 

3) Khoảng năm 110. Với chừng 10.000 tín hữu.

Plinius đã chứng kiến nhiều chuyện trong đời mình. Năm 79, từ căn nhà của mình trong vịnh Neapel, ông chứng kiến cảnh núi lửa Vesuv phun tro chôn vùi thành phố Pompeji. Là nhà chính trị đang lên, ông được giao coi sóc hệ thống thoát nước của kinh thành; trở thành nghị viên, ông có dịp làm quen với những âm mưu trong đời sống chính trị ở Roma. Nhưng giờ đây, làm toàn quyền một xứ trong vùng ngày nay thuộc Thổ-nhĩ-kì, ông cảm thấy bối rối trước một số người dân bị kết tội, vì đi theo một giáo phái tự gọi mình là Kitô hữu. Ông không hiểu tội của họ là gì, nên phải nhờ sự chỉ dẫn của Hoàng Đế, xếp của ông. «Cần phải xin ý kiến của ngài, vì lượng kẻ bị kết án khá đông». Trong đám họ có cả người già lẫn trẻ, đàn ông lẫn đàn bà. «Không chỉ các thành thị, mà cả các thôn quê và làng mạc cũng bị lây nhiễm bởi cơn mê tín này».

Plinius cho tra hỏi từng người, xem có phải họ là Kitô hữu hay không. «Tôi hỏi họ ba lần với lời cảnh báo, nếu họ vẫn nhận mình là Kitô hữu, thì sẽ bị đem đi giết. Họ được tự do nói ra những gì họ muốn. Tôi tin rằng, sự bướng bỉnh và cố chấp trong mọi trường hợp phải bị trừng phạt. Tôi đã đánh dấu những người khác cũng bị rơi vào ảo tưởng tương tự để chuyển về Roma, vì họ là công dân của Đế Quốc.»

Khắp nơi người ta nói tới sự bướng bỉnh của Kitô hữu. Những người này từ chối dâng lễ vật cho Hoàng Đế, nghĩa là không chịu dâng hương hoặc giết thú vật để làm của lễ cho Hoàng Đế, vì như thế, theo họ, Hoàng Đế cũng ngang hàng với vị Thiên Chúa, mà họ tin rằng chỉ duy nhất Người mới là Thiên Chúa phải thờ kính mà thôi. Họ không tham gia lễ hội đường phố, vì các lễ hội này tôn vinh hàng ngàn thần linh khác, mà Kitô hữu vốn coi khinh. Họ cười nhạo tất cả những gì đám đông yêu thích, như đua xe, đuổi bắt thú vật, đấu kiếm. Họ nói nhiều về tình yêu tha nhân và lòng thương xót, nhưng lại bị thiên hạ coi là những kẻ ích kỉ, những tay phá thối và ngược đời. Nhưng sự xa cách xã hội này lại giúp cho cộng đoàn của họ được thêm gắn bó.

 

4) Khoảng năm 200. Với chừng 155.000 Kitô hữu.

(…) Carthago xưa kia một thủ phủ, nay chỉ còn là một thị trấn ngoại biên của thủ đô Tunis nước Tunisie (…). Xưa kia, hải cảng mênh mông của nó là chốn tấp nập ghe thuyền từ khắp nơi cập bến Bắc Phi. Carthago, với các ngôi thánh đường đồ sộ, với tường thành bao bọc, các lăng mộ và suối nước nóng, vôn là một trong những thành phố nhộn nhịp và giàu có nhất của Đế Quốc Roma. Nơi trường đua, dân thành có thể tuỳ thích cổ võ cho những chiếc xe đua của đội mình. Trong  nhà hát, họ có thể xem những vở bi kịch éo le của Hi-lạp. Chỉ riêng hệ thống cầu tiêu tiểu của nó rộng đến nỗi các nhà khai quật khảo cổ thoạt tiên tưởng đo là một nhà hát thứ hai.

Kitô giáo có lẽ đã theo chân các nhà buôn do-thái đã theo đạo vào thành phố này. Ở đây xuất hiện vài tên tuổi triết gia và thần học gia kitô giáo của thời ban đầu. Khoảng năm 200, Tertullian rảo khắp phố với đôi chân trần giảng thuyết về trinitas, về sự kết hiệp của Thiên Chúa ba ngôi. Vai trò của những vị tiên khởi như ông vốn cần thiết, vì nhờ họ Kitô giáo mới có được bộ mặt quyền rũ nơi các tầng lớp có học và ưu tuyển. Triết gia Origenes, một người đồng thời với Tertullian, đã được mẹ của một hoàng đế Roma mời vào cung, để cắt nghĩa cho bà về Kitô giáo. Nhưng đám đông dân chúng có lẽ vẫn là nhân tố quan trọng nhất trong việc phổ biến đạo mới. Chỗ tụ họp thích thú nhất cuả họ là Hí Trường thành phố (Amphitheater).

Hí Trường toạ lạc bên một con đường tấp nập xe cộ, ẩn nấp sau những hàng cây. Vết tích còn lại cho thấy mức độ lớn lao xưa kia của nó, với đủ chỗ cho 30.000 khán giả. Hí Trường Carthago là địa điểm lớn thứ hai, sau Kolosseum, của Đế Quốc Roma. Gần 1.822 năm trước, ngày 7 tháng 3 năm 203, có hai phụ nữ, Perpetua và Felicitas, xuất hiện trên Hí Trường này. Và họ đang chờ mãnh thú nhảy ra xé xác họ.

Perpetua mới ngoài 20 tuổi, con gái của một gia đình quý tộc và mới vừa sinh con. Felicitas là người giúp việc của chị. Cả hai là Kitô hữu. Họ nhất quyết không chịu ca tụng Hoàng Đế. Vì thế cả hai đã bị bắt với cùng một số thành viên khác của cộng đoàn. Trong ngục, Perpetua ghi lại những gì xẩy ra trong thời gian bị giam cầm. Passion của chị là một trong những lời chứng sớm nhất về các vị tử đạo kitô giáo. Các nhà nghiên cứu cho biết, nội dung những gì chị viết là đúng.

Perpetua và các đồng đạo của chị phải ra toà. «Buổi trưa, khi đang ăn, chúng tôi bất chợt bị đưa ra toà xét xử. Chúng tôi được đưa tới Hội Trường (Forum). Tin lan nhanh tới các khu vực lân cận, và một lượng người đông vô số kể kéo tới.» Ông chánh án hỏi Perpetua: «Cô có phải Kitô hữu không? Và tôi trả lời: Vâng, tôi là Kitô hữu». Phán quyết: «Chết do mãnh thú».

Hôm đó ở Carthago diễn ra nhiều trò chơi, vì là ngày mừng sinh nhật con trai của Hoàng Đế. Nhiều trò man rợ được tổ chức suốt ngày. Sáng có trò săn đuổi mãnh thú. Trưa có cảnh xử tử các tù nhân. Kết thúc là những cuộc đấu kiếm. Với Perpetua và Felicitas, người ta còn bày thêm cảnh làm nhục họ. Cả hai bị lột hết quần áo, chỉ được khoác vào người một tấm lưới, rồi bị đẩy ra sân đấu trường. Rồi người ta thúc một con bò mộng lao vào hai chị. Con bò tung Perpetua lên cao, làm chị bị thương nặng, nhưng không chết. Một kiếm sĩ xuất hiện, tìm cách đâm chị, nhưng cũng không xong. Chính Perpetua cầm tay kiếm của người này kề vào cổ mình, để anh ta cắt cổ mình.

Thật ra, những cảnh bạo lực man rợ kia là cốt để thị uy sức mạnh cuả Roma. Hãy xem đấy, mọi tội ác sẽ bị trừng trị như thế! Nhưng với cái chết của Perpetua và các đồng đạo của chị trong sơ thời, tương quan sức mạnh đã bị đảo ngược. Những cuộc hành quyết trở thành những màn phô diễn đức tin, trở thành dấu chỉ ưu thắng trên những kẻ sát hại họ.

Người thời cổ ngưỡng mộ các triết gia như Socrates và Seneca, những kẻ cũng bị án tử và họ đã an nhiên chấp nhận cái chết. Giờ đây, 30.000 khán giả được nhìn thấy cảnh hai cô gái đón nhận cái chết của mình trong an nhiên tự tại. Hẳn nhiều người trong họ đã bị đánh động trước hình ảnh đó.

Xem ra cái đức tin lạ lùng kia đã làm cho những kẻ bị tấn công, bị truy nã có được cái sức mạnh vốn thật ra chẳng phải là quyền lực gì cả. Có lẽ họ quả thật được Thiên Chúa che chở.

Khán giả rời hí trường về nhà. Họ tường thuật lại cho thân nhân và bạn bè những gì xẩy ra nơi công trường. Thân nhân và bạn bè họ lại kể tiếp cho bè bạn họ. Đây đó có người muốn tìm hiều kĩ hơn về cái đạo mới. Có người bước vào. Và cứ thế Kitô giao không ngừng bành trướng.

 

5) Khoảng năm 250. Với cỡ 650.000 tín hữu trên thế giới.

(…) Khi đào ngôi mộ cổ ở tây bắc Franfurt (Đức) người ta tìm thấy một vật bùa hộ mệnh. Ai đó đã đeo nó nơi cổ mình. Trong vật đó có chứa một lá mỏng bằng bạc, trên đó có khắc hàng chữ bằng tiếng La-tinh: Thánh, thánh, thánh! Vì danh Giêsu Kitô. Nội dung có liên quan với một lá thư của Paulus (Phaolô). Tất cả 18 mẫu tự. Suốt gần 1.800 năm dài, lá bạc được bọc kĩ trong vật bùa. Người mang vật bùa này quả thật giữa thế kỉ thứ 3 đã rong ruổi khắp miền quanh Frankfurt. Đó là bằng chứng đầu tiên cho sự có mặt của Kitô giáo trong vùng phía bắc dây núi Alpes.

Khi cổ vật được ra mắt thế giới trong tháng Mười Hai vừa qua, CNN chạy tin: «Có lẽ lịch sử kitô giáo phải được viết lại.» Một tờ báo địa phương của Frankfurt chạy tít: «Kitô hữu đầu tiên ở phía bắc dãy Alpes là một người Frankfurt!»

Như vậy, Kitô giáo cổ thời xem ra đã thành công nhiều hơn so với dự tưởng của thiên hạ. Harmut Leppin, giáo sư Cổ Sử của Đại Học Frankfurt, nhận xét: «Đa số những Kitô hữu cổ thời không phải là người có ảnh hưởng đặc biệt. Họ không phải là người thuộc tầng lớp cao, thuộc hàng danh giá hay nhiều tiền của. Dù vậy, họ có đầy sự tự tin.»

Vì tin rằng, mình ở phía lẽ phải, họ đặc biệt lôi kéo được những ai muốn đi tìm một chỗ dựa trong cuộc sống. Là vì, đối với Kitô hữu, xuất xứ gia đình hoặc nghề nghiệp là điều không quan trọng, mà chỉ có Thiên Chúa của họ mới quan trọng. Thợ làm bánh hay thợ thủ công, vốn là tầng lớp khó ngoi lên được trong xã hội phân cấp chặt chẽ, sẽ có dược cơ hội thăng tiến, một khi gia nhập cộng đoàn kitô hữu. Họ có thể đóng góp một số tiền ít ỏi, có thể cung cấp chỗ tụ họp cho cộng đoàn, có thể ứng cử vào những chúc vụ trong đó. Họ có thể bước lên được chỗ, mà xã hội truyền thống không dự trù cho họ.

 đây, theo Harmut Leppin, phụ nữ đóng vai trò quan trọng. Xưa nay vai trò vốn được chờ đợi nơi họ là lấy chồng sinh con. Các thanh thiếu nữ không thích lập gia đình, các bà goá trẻ không muốn bước thêm bước nữa, do đó, thường bị xã hội đẩy ra lề. «Nhưng họ lại được Kitô hữu đón nhận». Bởi trước mắt Chúa mọi người đều bình đẳng, nên phụ nữ có thể nhận vai trò đặc biệt của họ trong cộng đoàn. Một số người được quyền ban phép rửa tội, những người khác, như Perpetua, được tôn kính như là những vị tử đạo. Các phụ nữ goá bụa được chăm sóc cách riêng.

Và còn một nhóm người nữa được Kitô hữu đặc biết lo lắng chăm sóc: người nghèo.

 

6) Khoảng năm 300. Với chừng 3 triệu tín hữu.

Sâu dưới lòng đất Roma là hàng hàng lớp những ngôi mộ chồng nhau, được xếp như những ngăn tủ lớn. Có nhiều hầm mộ (Catacomben = hang toại đạo) quanh vùng Roma sâu tới bốn tầng, với tổng cộng nhiều trăm cây số chiều dai. Một số là nguyên là những hầm mỏ, và Kitô hữu đã sử dụng chúng để chôn cất những tín hữu đầu tiên của mình. Trong một hầm người ta đếm được 26.500 mộ phần. Trên tường hầm có nhiều hình vẽ: chim bay lượn trên không, những chú chó kiên nhẫn ngồi bên chủ. Những người trong các hình vẽ được phủ bằng một tấm áo đỏ rất lớn. Họ ở trong tư thế «sẵn sàng lên đường». Có lẽ lên đường về thế giới bên kia. Trong các hang toại đạo ta bắt gặp một số bức hình đầu tiên của Kitô giáo. Các nghệ nhân thời đó tay cầm chổi cọ, màu và đèn dầu dò dẫm bước xuống những căn hầm tối đen, và đã tạo nên được những bức tranh, mà ngày nay Giáo Hội vẫn dùng để trang trí cho mình.

Không một bức tranh nào mang nghĩa tiêu cực, tât cả đều nói lên niềm hi vọng. Tín hữu Kitô tin rằng, mọi sự chỉ bắt đầu sau khi chết; chết không phải là hết. Họ hi vọng vào sự sống lại. Do đó, người ta không thiêu xác người chết, như vẫn thường thấy, mà trái lại kính cẩn liệm chôn chúng. Và cũng vì thế Kitô hữu đi viếng kẻ chết vào ngày chết, chứ không vào ngày sinh (nhật) như nơi người Roma.

Có một căn hầm rộng mênh mông với khoảng 450 ngôi mộ. Có nhà khảo cỗ tin rằng, hầm này thuộc sở hữu và do một nhà giàu có tài trợ, để dùng chôn những kẻ nghèo, tứ cố vô thân. Đây là một món quà hấp dẫn, mà Kitô hữu dành cho những người nghèo: Hãy tới với chúng tôi; chúng tôi sẽ tặng cho bạn một mộ phần. Đấy là lần đầu tiên xuất hiện một định chế chôn cất người chết miễn phí trong thời cổ.

Đức Giêsu đã đưa người nghèo vào ngồi cùng bàn ăn với Người. Từ đó việc chăm sóc người nghèo trở thành một trọng điểm của các cộng đoàn kitô giáo. Mà người nghèo thì đâu chẳng có. Ai thời đó bước vào một thành phố lớn như Roma, họ chắc chắn thấy tận mắt cảnh người cùng đinh sống vất vưởng bên cạnh những căn nhà lộng lẫy thừa mứa của cải. Người ta chết vì đói, vì lạnh; con cái họ chết rất sớm. Trong các hang toại đạo có rất nhiều những ngôi mộ tí hon.

Lí tưởng kitô giáo là phục vụ những người đau bệnh, yếu đuối và những kẻ bị xã hội đẩy ra lề. Người giàu trong cộng đoàn quyên tặng quần áo và phần mộ cho người nghèo; các trung tam của cộng đoàn chăm sóc sức khoẻ và vạt chất cho họ. Ít nhất là trong buổi ban đầu, mọi tiền bạc quyên góp được đều được chia cho các người già, người nghèo, các trẻ mồ côi. Đó là cội nguồn của những gì mà Giáo Hội kitô giáo ngày nay tiếp tục khai triển như một thứ căn cước của mình: nhà dưỡng lão, nhà chăm sóc kẻ liệt, bếp ăn cho người nghèo, nhà tạm trú cho người vô gia cư, cứu trợ hoạn nạn, hợp tác phát triển. Phan-sinh ở Assisi, Mẹ Têrêxa, Albert Schweitzer…

 

7) 28 tháng 10 năm 312. Khoảng 3,8 triệu Kitô hữu trên khắp thế giới.

Con người thời cổ, khi bước ra khỏi nhà và nhìn quanh, họ tin rằng, mình đối diện với mọi thứ thần linh. Có các thần Juno, Neptuna, Minerva; có các bán thần (nửa thần nửa người), có các thần rừng, thân sông. Đầu thế kỉ thứ 4 đa số hãy còn tin vào thế giới dẫy đầy thần linh như thế. Thần linh bảo hộ cho mùa màng, sức khoẻ, của cải, ngăn cản thiên tai. Không có thần linh, không thể chiến thắng nơi trận tiền.

Mùa thu năm 312 Roma lại rơi vào một cuộc nội chiến. Viên chỉ huy của một phe chiến là Constantin. Ngày 28 tháng 10 diễn ra trận quyết định. Constantin như vậy phải quyết định sẽ cậy dựa vào thần nào.

Dĩ nhiên ông đã nghe nói tới vị thần của Kitô hữu. Khi còn là một công chức trẻ trong hoàng cung, ông đã chưng kiến việc bắt đạo của chủ mình là hoàng đế Diocletian. Nhưng ông sớm có cảm tình với tôn giáo mới này, và giờ đây hết lòng trông cậy vào vị thần kitô giáo trong trận đánh quyết định.

Constantin thắng trận. Trong cuộc diễn binh chiến thắng vào thành, ông cho mở đầu đoàn rước với cái đầu của vị thủ lãnh phe thua trận cắm trên một mũi giáo. Một hành vi chẳng phù hợp với Kitô giáo chút nào. Sau đó ông trở thành hoàng đế và xin gia nhập đạo như một cử chỉ biết ơn. Sau Paulus, đây là nhân vật trở lại nặng kí thứ hai cho Kitô giáo.

Constantin không phải là người đưa Kitô giáo lên hàng quốc giáo trong Đế Quốc Roma. Nhưng ông đã hỗ trợ đạo này tất cả những gì ông có thể. Ông lệnh cho các kiến trúc sư của mình thôi phác hoạ các đền đài, để quay sang xây dựng các thánh đường kitô giáo. Vì chẳng biết vẽ ra sao cả, nên người ta xây theo mô mẫu các ngôi chợ và chuồng thú. Do đó những thánh đường (kiểu Roman) rộng bao la nhiều gian đã thành hình. Nhà thờ thánh Phêrô nguyên thuỷ hình thành, cách đó dăm ba cây số là Vương Cung Thánh Đường Lateran. Đùng một cái Kitô giáo mọc lên nơi trung tâm kinh đô Roma.

Điều này không có nghĩa là tục thờ đa thần biến mất một sớm một chiều. Nó bị chết khô từ từ. Constantin và các hoàng đế kế tục (tất cả, trừ một người, đều vào đạo Kitô) siết chặt dần nguồn tiền cho đạo cũ. Các tư tế không còn được trả lương, lễ vật cúng tế không còn bán được nữa, các đền đài chẳng còn được sửa sang.

Trong khi các thần linh đang bốc hơi, thì các Kitô hữu lại tự hỏi: Thiên Chúa của mình là ai? Đức Giêsu có phải là Thiên Chúa không? Thiên Chúa tạo ra đức Giêsu hay ngược lại? Để giải toả vấn nạn này, năm 325 Constantin gởi thư mời các giám mục trên khắp Đế Quốc về họp. Họ sẽ tụ tập trong một nhà nghỉ mùa hè của ông ở Nixê, một địa điểm cũng thuộc Thổ-nhĩ-kì ngày nay. Mọi chi phí di chuyển, ăn ở do ông cung cấp. Tại cuộc họp công đồng này, các nghị phụ sẽ cùng nhau thống nhất về một bản tuyên tín chung.

Sau nhiều tuần lễ thảo luận, họ đã đi tới nhất thống: Thiên Chúa đồng bản thể với đức Giêsu. Ngoài ra, họ còn chung quyết một số việc mang tính thực hành: Các giám mục, linh mục và phó tế không được sống chung với một phụ nữ (sống chung với mẹ đẻ thì được). Trong các ngày chủ nhật và dịp lễ ngũ tuần phải đứng, chứ không được quỳ gối, cầu nguyện. Tất cả mọi Kitô hữu phải mừng lễ phục sinh vào một ngày chủ nhật sau ngày Pessach (lễ Vượt Qua) của Do-thái giáo.

Khi các giám mục len đường trở về lại nguyên quán, mỗi vị nhận được một túi quà cầm tay từ Hoàng Đế. Họ đã làm thay đổi Giáo Hội của họ từ gốc. Từ nay là một Giáo Hội hiệp nhất và phổ quát. Đàn ông nắm quyền. Đàn bà dần dần bị đẩy về lại trong gia đình, phải rời bỏ mọi chức vụ trong Giáo Hội. Tất cả phải tin vào một giáo huấn như nhau.

 

8) Khoảng năm 400. Chừng 30 triệu tín hữu.

Năm 388 xẩy ra một vụ đánh phá tại một địa điểm ở biên giới phía đông của Đế Quốc. Một nhóm kitô hữu đốt một nguyện đường do-thái giáo. Trong trường hợp này, rõ ràng tín hữu do-thái là nạn nhân, các Kitô hữu là thủ phạm. Hoàng Đế quyết định phạt đám gây rối kia và bắt vị giám mục sở tại phải bồi thường xây lại nguyện đường.

Nhiều chục năm qua các giám mục đã thu tóm nhiều quyền lực vào mình. Họ thu thuế, đóng vai quan toà và xử phạt. Họ trở thành những kẻ trung gian giữa hoàng đế và dân chúng. Trong các thành phố lớn, trong đó hầu như chẳng có quân đội trấn đóng, an ninh trở nên rất tồi tệ, và giám mục là người đứng ra tái lập trật tự. Ông phát chẩn cho người nghèo. Ông có thể bảo dân ủng hộ hay chống lại hoàng đế.

Một trong những giám mục quyền thế nhất thời đó là Ambrosius, giám mục giáo phận Milano. Khi hay tin Theodosius sai phạt các tín hữu kitô trong vụ việc trên đây, ông viết thư cho Hoàng Đế: «Chẳng có gì mà Ngài phải làm ầm lên như thế. Không thể vì cháy một căn nhà mà lại phạt dân nặng đến như thế. Nhưng đây lại là việc đốt cháy một nhà nguyện do-thái, nơi nuôi dưỡng sự bất trung và vô đạo, chỗ trú ẩn của sự điên rồ, chính Thiên Chúa cũng phải kết án nó.»

Là thư tiềm ẩn một đe doạ: Hoặc là Hoàng Đê khôn thì rút lại lệnh phạt, nếu không thì phiền cho ngài lắm đấy!

Thoạt tiên Theodosius bỏ qua lá thư. Nhưng trong một thánh lễ có sự tham dự của Hoàng Đế Ambrosius công khai chỉ trích Theodosius. Hoàng Đế rốt cuộc đầu hàng, ra lệnh tha cho đám côn đồ kitô hữu. Giáo Hội đã thắng Hoàng Đế, thần quyền thắng thế quyền. Tương quan quyền lực giữa Giáo Hội và thế quyền thay đổi.

Quyền lực đưa tới lạm dụng. Những kẻ bị truy nã trước đây trở thành những kẻ truy nã. Chẳng còn sự ăn khớp hoàn toàn nữa giữa hành động và luân lí đạo đức nơi Kitô hữu. Họ nhân danh Kitô giáo để phạm tội ác.

Những cuộc thánh chiến.
Các toà án dị giáo.
Truy diệt phù thuỷ.
Cuộc chiến tôn giáo 80 năm và 30 năm và những cuộc chiến dành thuộc địa.
Hợp pháp hoá chế độ nô lệ.
Nhập nhằng với chế độ phát-xít.
Những lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên.

 

9) Năm 2025. Khoảng 2,5 tỉ tín hữu trên địa cầu.

Cứ mỗi chủ nhật, vào khoảng 13 giờ, những thực khách đầu tiên xuất hiện. Một căn phòng lớn dưới hầm nhà, trần thấp, tường bằng gạch nung. Phía trên căn phòng hầm là nhà thờ công giáo thánh Christophorus, cách công trường Hermann ở Neuköln, Berlin quãng 5 phút đi bộ. Những người đàn ông cởi bỏ túi đeo vai, một bà bỏ túi xách tay của mình, cùng ngồi vào một bàn ăn. Một người trong họ nói to: «Này chị Lissy, hôm nay có món gì vậy?».

Lissy là Lissy Eichert; chị lướt nhanh qua người đàn ông gọi mình. Họ vốn quen biết nhau, ưa nhau, nhưng giờ còn phải vào bếp dọn bữa đã. Đặt chén dĩa, muỗng nĩa, khăn bàn. Hôm nay có xúc-xích với khoai tây nướng, nấu chung với nấm và ớt ngọt. Có thêm dĩa xà lách và món tráng miệng. Cà phê, trà. Mọi thứ đều miễn phí. Khách được phục vụ tại bàn.

Lissy Eichert là trợ lí mục vụ (Pastoralreferentin) trong giáo xứ. Năm 1993 cô tới Neuköln với hai người bạn, một người nay là linh mục quản xứ và một người khác là anh thợ khoá (Schlosser). Họ muốn xây dựng một giáo xứ, vì vùng này có quá nhiều người nghèo, thiếu thốn, cần sự giúp đỡ. Họ quy tụ được một nhóm thợ thủ công, sửa nhà cho những gia đình nghèo hoặc giúp họ chuyển đổi phòng ốc, nhà cửa. Giúp cai nghiện và cung cấp bữa ăn trưa miễn phí hai lần trong tuần. Có tới 170 phần ăn mỗi lần.

Nhiều thực khách là khách quen. Lissy cho biết, bà tóc dài ngồi phía phải vốn sống ngoài đường, nhưng cố làm mọi cách để cho người ta không biết là mình thuộc loại vô gia cư. Bàn ở góc kia là bàn ưu tuyên, vì ở đó có Rudi, vô gia cư, nhưng đã có lần đóng phim Tatort. Bà già vừa bước vào sống một mình nhưng ăn mặc rất bảnh mỗi khi tới đây. Bà đi guốc cao gót, bận áo cánh ủi xếp nếp và đeo bông tai.

Lissy Eichert nói, chị hơi có vấn đề với giáo hội định chế, nhưng chị hâm mộ đức Giêsu. Với chị, đức Giêsu là kẻ nêu gương cho ta luôn biết sẵn sàng làm lại từ đầu, sẵn sàng hành xử theo một lối mới, đối với chính mình và đối với tha nhân.  Có lần, một ông thường hay đến đây ăn, nói: Các anh chị không thể buộc tôi rời đường phố được. Nhưng các anh chị đã trao lại cho tôi phẩm giá. Lissy Eichert nói: đấy chính là điều mình muốn.

Moris Asslinger
(Phạm Hồng-Lam dịch)
Die Zeit số 16. Ngày16.04.2025:
«20 Leute, der Anführer tot. Was schon da rauskommen!»
Từ khóa liên quan:
Bài tin liên quan
Chia sẻ bài viết

Đăng kí nhận tin

Kết nối với chúng tôi để không bỏ lỡ tin tức mới nhất

Sign Up

Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào

Tác giả


Nguyên Chính Kết

Phạm Hồng Lam

BBT

Phạm Hương Sơn

Phạm Thiên Phước

Thông tin


Phong Trào Giáo dân Việt Nam Hải Ngoại C/o Do Nhu Dien
10687 Weatherhill Court. San Diego, CA 92131. USA
ptgdvn@gmail.com
www.phongtraogiaodan.org
www.phongtraogiaodan.com

Copyright © 2024 team_vvpb